Tuy các bệnh dưới đây loài chó nào cũng có thể mắc phải nhưng có một vài giống có nguy cơ cao hơn. Cùng đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm về một vài bệnh thường gặp trên một số giống chó và dấu hiệu nhận biết nhé.
1. Siberian Husky: Rối loạn tự miễn
Giống Siberian Husky là đối tượng có nguy cơ mắc phải một loạt các dấu hiệu của bệnh rối loạn tự miễn. Bệnh này được chia ra làm nhiều loại với các triệu chứng khác nhau và điều trị phụ thuộc vào loại rối loạn tự miễn dịch mà chó đang mắc phải. Dưới đây là 3 loại phổ biến:
- Lupus ban đỏ (Systemic Lupus Erythematosus): Đây là một loại bệnh hiếm gặp có thể di truyền ở chó. Bên cạnh Husky, một số giống chó cũng có khả năng cao mắc bệnh này là Poodle, Beagle, Sherman Shepherds… Các triệu chứng bao gồm: rụng lông thành mảng, sốt, thiếu máu, vết loét ở mặt hoặc chân, nhiễm trùng thận… Chúng thường xuất hiện vào khoảng sáu tuổi và bệnh này có thể ảnh hưởng đến da, tim, phổi, thận, khớp, máu và hệ thần kinh vì các kháng thể trong máu chó sẽ tấn công các tế bào và mô của cơ thể.
- Thiếu máu tán huyết miễn dịch (Autoimmune Hemolytic Anemia): Bệnh thường xảy ra khi hệ thống miễn dịch của chó tấn công các tế bào hồng cầu. Các tế bào này chịu trách nhiệm đưa oxy từ phổi đến tất cả các mô của cơ thể. Khi mắc bệnh này, các tế bào hồng cầu sẽ bị phá hủy hoặc hư hỏng nhanh hơn tốc độ thay thế. Các triệu chứng thường gặp là thờ ơ với đồ ăn, tụt cân, vàng da, niêm mạc lợi và mắt nhợt nhạt…
- Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch (Immune-Mediated Thrombocytopenia): xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công hệ miễn dịch tấn công và phá hủy tiểu cầu, các tế bào chịu trách nhiệm hình thành cục máu đông khi mạch máu bị tổn thương. Một số triệu chứng bạn có thể nhận thấy là có các vết bầm tím, chảy máu quá nhiều sau chấn thương hoặc phẫu thuật, máu trong nước tiểu hoặc phân.
2. BullDog: Vấn đề đường hô hấp
BullDog là giống chó dễ bị rối loạn hô hấp. Trên thực tế, tất cả các giống chó brachycephalic đều có thể có xu hướng gặp vấn đề này, nhưng BullDog có nguy cơ cao nhất. Brachycephalic là thuật ngữ y học chỉ những giống chó có mặt cấu tạo phẳng với mũi ngắn. Với chó bị vấn đề đường hô hấp, dấu hiệu bao gồm thở hổn hển quá mức, khó bình tĩnh khi bị kích động, và thở mạnh khi thời tiết nóng. Do đó vào mùa hè bạn nên giữ chó trong điều kiện mát mẻ, tránh để chó vận động quá sức. Bên cạnh đó vác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật cắt ngắn khẩu cái mềm, giúp cho đường thở của chó rộng hơn. Phẫu thuật thường được thực hiện khi chó từ 1 năm tuổi trở lên. Thời gian chữa lành thay đổi tùy theo chó của bạn nhưng thông thường là từ 2-3 tuần.
3. Pug: Vấn đề về mắt
Với khuôn mặt bụ bẫm và đôi mắt lồi, giống chó Pug có nguy cơ mắc các vấn đề về mắt. Nghiêm trọng nhất là mắt của chó Pug có thể lồi hẳn ra ngoài khi chúng gặp tai nạn hoặc đánh nhau với một con chó khác. Nếu điều này xảy ra, bạn hãy ngay lập tức che mắt bằng một miếng vải ẩm và đưa chó đến bác sĩ thú y. Các bác sĩ thú y có thể đặt mắt trở lại đúng vị trí, tuy nhiên con chó có giữ được thị lực trong mắt hay không phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương.
4. German Shepherd: Chứng loạn sản xương hông
Nhiều giống chó có nguy cơ bị loạn sản xương hông cao, đặc biệt với giống chó to như German Shepherd. Nguyên nhân của bệnh này là do sự phát triển lệch lạc của do sự phát triển không ăn khớp của chỏm xương đùi và ổ cối cùng sự lỏng lẻo của các mô mềm, dây chằng xung quanh khớp chậu đùi làm chòm xương đùi không hoạt động trơn tru trong ổ cối nên gây đau, viêm khớp, thoái hóa và đi lại khó khăn. Thường những dấu hiệu của bệnh này bắt đầu khi chó được khoảng 4 tháng tuổi. Các triệu chứng bạn có thể quan sát là không thích chạy nhảy, tần suất hoạt động giảm, đau khớp hông, đôi lúc khi khập khiễng, hai chân sau chụm lại không tự nhiên…
Nguyên nhân chính của bệnh này thường do yếu tố di truyền do đó trước khi mua chó nên kiểm tra lý lịch sức khỏe của chó bố mẹ. Để phòng tránh bệnh này, bạn nên kiểm soát trọng lượng cơ thể của chó nhằm giảm áp lực lên các khớp. Kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh cùng đơn thuốc chống viêm của bác sĩ sẽ giúp chó của bạn trở nên tốt hơn.
5. Labrador Retriever: Béo phì
Bất kỳ giống chó nào cũng có thể trở nên thừa cân, nhưng Labrador Retriever có nguy cơ cao hơn. Và cũng giống như với con người, béo phì có liên quan đến các vấn đề sức khỏe ở chó. Nguyên nhân là do giống chó này thường không biết tự kiềm chế, ăn nhiều không kiểm soát. Do đó, Labrador Retriever cần có chế độ ăn uống dinh dưỡng, lành mạnh và cần tập thể dục hàng ngày. Nếu chúng liên tục cầu xin thêm thức ăn, hãy thử cho ăn cà rốt sống, đậu xanh hoặc táo để ăn nhẹ.
6. Beagle: Động kinh
Chó bị động kinh thường xuất hiện với các triệu chứng là các cơn co thắt không tự chủ được và lặp đi lặp lại nhiều lần, kéo dài vài giây tới vài tiếng. Bệnh này được chia làm 2 loại là: động kinh cục bộ và động kinh toàn thể. Động kinh cục bộ thường xảy ra do sự kích thích của tế bào thần kinh ở một bên não. Các dấu hiệu thường là sợ hãi, cơ mặt co giật, nhìn chằm chằm… Còn động kinh toàn thể lại do sự kích thích của cả 2 bên não và làm chó mất ý thức, chảy nước dãi, co giật các chân…
Khi chó bị động kinh nhiều lần trong ngày hay kéo dài hơn 5 phút là đang gặp vấn đề nghiêm trọng với sức khỏe. Lúc này bạn cần đưa chúng đến bác sĩ ngay lập tức. Chó sẽ được khám và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
7. Boxer: Ung thư
Chó Boxer có nguy cơ mắc một số loại ung thư nhất định, bao gồm lymphoma ung thư hạch và tế bào mast. Lymphoma là một dạng ung thư máu của các hạch bạch huyết và liên quan đến các tế bào bạch cầu được gọi là tế bào lympho. Còn khối u tế bào mast là một loại ung thư liên quan đến viêm và dị ứng và những tế bào này nằm ở khắp cơ thể. Trong cả hai trường hợp, ung thư thường thể hiện qua dấu hiệu như có cục hoặc vết sưng bất thường trên cơ thể con chó của bạn. Cả hai bệnh ung thư này đều có thể điều trị được, nhưng điều quan trọng là phải phát hiện sớm do đó nếu bạn nuôi Boxer nên đưa chúng đi khám sức khỏe nếu thấy điều bất thường ở cơ thể chúng.
8. Dachshund: Vấn đề về lưng
Do cấu tạo cơ thể dài của chúng, giống chó Dachshund (lạp xưởng) có nguy cơ cao bị chấn thương lưng và các vấn đề về đĩa đệm cột sống. Cách tốt nhất để giữ cho chó Dachshund của bạn cảm thấy tốt nhất là giữ cân nặng ở mức phù hợp, tránh thừa cân gây áp lực lên lưng. Bên cạnh đó, chúng cũng nên hạn chế leo cầu thang và nhảy xuống từ trên cao.
9. Doberman Pinscher: Bệnh tim
Bệnh cơ tim giãn (DCM) là bệnh nghiêm trọng, trong đó các buồng tim bị giãn ra và không bơm máu hiệu quả. Thông thường, chủ nuôi khó nhận ra có điều gì bất thường cho đến khi con chó của họ đột quỵ. Các triệu chứng phổ biến của bệnh này là khó thở, thở nhanh, sụt cân, hay mệt mỏi, thiếu năng lượng… Vì DCM rất phổ biến ở giống chó Doberman, nhiều bác sĩ thú y khuyến cáo bạn nên đưa chúng đi kiểm tra sức khỏe hàng năm. Thuốc có thể điều chỉnh nhịp tim và cải thiện khả năng bơm của tim, nhưng hiện tại không có cách chữa trị DCM triệt để.
10. Golden Retriever: Dị ứng da
Không giống như con người, chó thường không hắt hơi khi chúng bị dị ứng với thứ gì đó. Thay vào đó, chúng có xu hướng bị ngứa da. Và biểu hiện là thường xuyên liếm, gãi có thể dẫn đến các dấu hiệu ở da như vết loét đỏ, rỉ nước. Trước khi bắt đầu tự điều trị tại nhà bằng thuốc, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ thú y trước về tình trạng và nhu cầu của con chó mà bạn đang chăm sóc.. Để làm dịu da ngứa, hãy cho chó tắm bằng dầu gội bột yến mạch, bổ sung omega-3 vào chế độ ăn của nó, và đảm bảo chúng thường xuyên được điều trị bọ chét.
11. Poodle: Bệnh tăng nhãn áp
Poodles là một trong số ít các giống chó có nguy cơ mắc bệnh mắt nghiêm trọng này. Bệnh tăng nhãn áp là tăng áp lực thủy dịch trong nhãn cầu gây ra áp lực, đau đớn và cuối cùng là mù lòa. Bệnh này thường chỉ biểu hiện khi bệnh đã phát triển nên dù có các dấu hiệu nhỏ nhất bạn cũng nên đưa chó đi khám. Một số dấu hiệu điển hình là: chán ăn, mất cảm giác ngon miệng, thờ ơ, sợ ánh sáng, chảy nước mắt nhiều… Ngay từ sớm, bệnh tăng nhãn áp có thể được điều trị bằng thuốc. Nhưng nếu tình trạng nghiêm trọng sẽ cần phải phẫu thuật và thậm chí loại bỏ mắt.
12. Rottweiler: Các vấn đề xương khớp
Các giống lớn như Rottweiler có nguy cơ mắc nhiều vấn đề về khớp, bao gồm loạn sản xương hông, loạn sản khớp khuỷu, viêm khớp và thoái hóa xương khớp (OCD). OCD là một loại bệnh thường thấy ở những con chó con lớn, phát triển nhanh, trong đó sụn trong khớp không hình thành đúng cách. Bạn nên cho ăn một lượng vừa đủ để có chế độ ăn uống dinh dưỡng cân bằng, nhờ đó các khớp của giống chó Rottweiler sẽ khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp có sụn bất thường, phẫu thuật để loại bỏ là điều cần thiết.
=> Tham khảo thêm: 7 căn bệnh nguy hiểm bạn có thể lây từ chó